phan-tich-doan-trich-chuyen-cu-trong-phu-chua-trinh

Kho tài liệu văn học và bài tập làm văn hàng đầu Việt Nam

Phân tích đoạn trích Chuyện


Kho tài liệu văn học và bài tập làm văn hàng đầu Việt Nam

Phân tích đoạn trích Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh

Hà Anh
06/09/2018 Văn mẫu lớp 9

334 Views

Phân tích đoạn trích Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh

Bài làm

Phạm Đình Hổ là một tác giả lớn của nền văn học trung đại Việt Nam với nhiều tác phẩm có giá trị sâu sắc về lịch sử cũng như văn chương. Đoạn trích “ Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh” là một trong 88 mẩu chuyện trong “ Vũ trung tùy bút”- tác phẩm nổi tiếng được ông viết bằng tiếng Hán. Với nghệ thuật miêu tả độc đáo và sâu sắc, tác giả đã lên án, tố cáo những thói ăn chơi sa đọa và tệ nhũng nhiễu nhân dân của vua chúa và bọn quan lại thời Lê-Trịnh.

Bằng ngòi bút tả thực, tác giả đã cho chúng ta thấy những thói ăn chơi vô cùng xa xỉ của chúa Trịnh Sâm cũng như của bọn quan lại hầu cận. Cuộc sống của chúa là một cuộc sống an nhàn, giàu sang đến tột đỉnh. Chúa cho xây dựng các cung điện, đình đài ở khắp mọi nơi để thỏa thú chơi đèn đuốc, “ đi chơi ngắm cảnh đẹp”, ý thích đó cứ triền miên tưởng chừng không có hồi kết. Vì vậy mà tác giả viết “ Việc xây dựng đình đài cứ liên miên” gây tốn công sức và tiền của nhân dân. Chúa thích đi chơi và thường ngự ở những li cung xa kinh thành như Hồ Tây, núi Tử Trầm, núi Dũng Thúy.

Đặc biệt, tác giả miêu tả một cách chi tiết và tỉ mỉ cuộc dạo chơi của chúa ở Tây Hồ. Cuộc dạo chơi ấy diễn ra rất thường xuyên “ mỗi tháng ba bốn lần”, huy động một số lượng lớn kẻ hầu người hạ “ binh lính dàn hầu vòng quanh bốn mặt hồ”. Bọn quan lại thì bày ra những trò vui chơi hết sức lố lăng và tốn kém. Các quan đều “ đầu bịt khăn, mặc áo đàn bà”, cải trang là những thị dân buôn bán, bày ra những sản phẩm bày bán như một khu chợ đông vui, sầm uất “ thuyền ngự đi đến đâu thì các quan hỗ tụng đại thần tùy ý ghé vào bờ mua bán các thứ như cửa hàng trong chợ”. Dàn nhạc thì được bố trí ở khắp nơi luôn sẵn sàng tấu nhạc làm vui “ bọn nhạc công ngồi trên gác chuông chùa Trấn Quốc, hay dưới bóng cây bến đá nào đó, hòa vài khúc nhạc”.

Chỉ bằng ngòi bút ghi chép khách quan, tỉ mỉ tác giả đã vẽ lên một bức tranh về cuộc sống phồn hoa nhưng đầy giả dối, nực cười  của vua chúa và bọn quan lại. Đâu chỉ có vậy, chúa còn có thú chơi cây cảnh thật khác người. Chúa cho tìm thu nhưng thực chất đó là cướp đoạt một cách trắng trợn những của quý trong thiên hạ “ những loại trân cầm dị thú, cổ mộc quái thạch, chậu hoa cây cảnh ở chốn dân giân” để đem về tô điểm thêm cho phủ chúa. Tác giả đã miêu tả một trong những cảnh điển hình của cuộc cướp đoạt ấy bằng những từ ngữ sống động. Đó là cảnh bọn lính tráng chở một cây đa cổ thụ về phủ chúa. “ Cây đa to, cành lá rườm rà, được rước qua sông…” phải một cơ binh hàng trăm người mới khiêng nổi.

Cây đa ấy vốn ở nơi đầu non hốc đá quen với cuộc sống tự do thì nay đã bị ép buộc để “ điểm xuyết, bày vẽ” thành một thứ đồ chơi riêng của chúa. Cảnh nơi phủ chúa được miêu tả là những cảnh thực được bày vẽ, tô điểm như “ bến bể đầu non”. Nhưng đặc biệt, cảnh đêm nơi phủ nhà chúa lại trái ngược hoàn toàn so với những gì xa hoa, lộng lẫy mà tác giả đã miêu tả trước đó. Đó là những âm thanh gợi cảm giác bí hiểm, ma quái: “ Mỗi khi đêm thanh cảnh vắng, tiếng chim kêu vượn hót ran khắp bốn bề, hoặc nửa đêm ồn ào như trận mưa sa gió táp, vỡ tổ tan đàn, kẻ thức giả biết đó là triệu bất tường”. Đến đây thì cảm xúc của tác giả mới được bộc lộ.

Tiếng chim kêu vượn hót hay là tiếng muôn loài thở than? Trận mưa sa bão táp hay chính là sự giận dữ của đất trời? Tất cả đã khiến “ kẻ thức giả” mà ở đây chính là Phạm Đình Hổ nhận thấy đó là “ triệu bất tường”, tức là những dấu hiệu chẳng lành, những điểm gở. Nó như dự báo trước về sự sụp đổ tất yếu của một triều đại thối nát, tha hóa chỉ biết vui chơi hưởng lạc trên mồ hôi, nước mắt và cả máu của những dân lành vô tội. Và quả thực điều đó đã ứng nghiệm sau khi chúa Trịnh Sâm mất, nhà Trịnh cũng đi đến hồi kết.

 Tác giả không chỉ phơi bày về thói ăn chơi sa đọa của vua chúa mà còn cho thấy sự tham lam, thái độ nhũng nhiễu của bọn quan lại trong phủ chúa. Chúng được sủng ái bởi đã góp phần đắc lực tạo nên những cuộc vui chơi hưởng lạc của chúa Trịnh. Bọn hoạn quan đã bày nhiều trò để cướp đoạt, vu cáo, phá hoại tài sản của nhân dân một cách hết sức trắng trợn. Chúng thực hiện công việc đó một cách có bài bản: “ dò xem” nhà nào có vật quý để “ phụng thủ”; “ trèo qua tường thành lẻn ra” để “ lấy phăng đi” những thứ mà chúng muốn; nếu có sự phản ứng thì chúng buộc cho tội “ giấu báu vật” của vua chúa. Tác giả đã sử dụng một loạt các động từ chỉ hành động để nhấn mạnh sự táo tợn, phi lí của bọn hoạn quan. Chúng mượn gió bẻ măng, vừa ăn cướp lại vừa la làng. Và hậu quả là những người dân lành phải chịu bao bất công, khổ đau: phải nộp tiền, phá nhà hủy tường, phá bỏ cây cảnh để tránh tai vạ ập đến. Để tăng thêm sức mạnh tố cáo, tác giả đã kể một sự việc của chính gia đình mình. Trước nhà tiền đường có trồng cây lê hoa trắng xóa, trước nhà trung đường trông hai cây lựu ra quả trông rất đẹp nhưng vì sợ tai họa cũng phải đành chặt đi. Tác giả còn nêu ra các địa danh cụ thể như “ phường Hà Khẩu, huyện Thọ Xương” để làm tăng thêm tính thuyết phục để thể hiện sự những nhiễu của bọn quan lại. Qua đó tác giả đã bày tỏ sự căm phẫn, tố cáo mạnh mẽ với một vương triều thối nát đồng thời là sự cảm thông với những số phận con người chịu nhiều bất công, khổ cực.

 Với lối văn ghi chép một cách cụ thể, chân thực, sinh động với những người thật, việc thật, không bị gò bó bởi cốt truyện, cách kể chuyện tự nhiên, giàu cảm xúc đoạn trích “ Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh” không chỉ phơi bày lối sống sa đọa, ăn chơi hưởng lạc của vua chúa, thái độ nhũng nhiễu nhân dân của bọn hoạn quan mà còn cho thấy ngòi một ngòi bút rất tài hoa của tác giả Phạm Đình Hổ. Đây là một trích đoạn giàu giá trị hiện thực và giá trị nghệ thuật.

17/04/2022

06/01/2022

06/01/2022

06/01/2022

06/01/2022

06/01/2022

Phân tích bài Đấu tranh cho một thế giới hòa bình

Phân tích bài Đấu tranh cho một thế giới hòa bình Bài viết văn của …

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *