Kho tài liệu văn học và bài tập làm văn hàng đầu Việt Nam
Phân tích giá trị nhân đạo đ
Kho tài liệu văn học và bài tập làm văn hàng đầu Việt Nam
Phân tích giá trị nhân đạo được thể hiện trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân
Hà Anh
06/09/2018 Văn mẫu lớp 12
274 Views
Phân tích giá trị nhân đạo được thể hiện trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân
Bài làm
Trong nền văn học hiện đại Việt Nam, Kim Lân là cây bút chuyên viết về truyện ngắn với mảng đề tài quen thuộc là cuộc sống nông thôn của người nông dân. Một trong những sáng tác tiêu biểu của ông thể hiện rõ điều này là tác phẩm “Vợ nhặt”. Trong tác phẩm này, Kim Lân đã thực sự đem vào tác phẩm của mình một khám phá mới, một điểm soi chiếu toàn tác phẩm khi viết về một đề tài không mới. Đó chính là vẻ đẹp của tình người, của niềm hi vọng khi đứng bên bờ vực cái chết. Và đó cũng chính là giá trị nhân đạo mà tác giả Kim Lân đã thể hiện thành công thông qua việc miêu tả tâm lí nhân vật và cách kết thúc truyện.
Cũng giống như những cây bút chuyên viết về đề tài người nông dân khác như Ngô Tất Tố, Nam Cao,…, nhà văn Kim Lân đã đưa vào tác phẩm của mình bức tranh xã hội Việt Nam trong nạn đói. Bởi vậy, “Vợ nhặt” trước hết là tác phẩm viết về nạn đói: “Những gia đình từ những vùng Nam Định, Thái Nguyên, đội chiếu lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma”, “bóng những người đói dật dờ đi lại lặng lẽ như những bóng ma”. Kiểu so sánh ấy đã thể hiện một nhãn quan đặc biệt của Kim Lân về nạn đói năm 1945: sự sống và cái chết chỉ mong manh như sợi tóc và tưởng chừng như cái đói sẽ hủy diệt tất cả. Nhưng không! Trong bối cảnh chết chóc, nhà văn Kim Lân đã xây dựng tình huống truyện: anh cu Tràng nhặt được vợ chỉ với bát bánh đúc. Như vậy, mảng tối chết chóc u ám chỉ là phông nền và một phép đòn bẩy để làm nổi bật mảng sáng của tình người thông qua ba nhân vật: bà cụ Tứ, anh cu Tràng và người vợ nhặt. Chính ánh sáng của tình người, của niềm hi vọng vào tương lai đã làm nên giá trị nhân đạo sâu sắc của truyện ngắn “Vợ nhặt”.
Thông điệp về nét đẹp nhân đạo trước hết thể hiện thông qua diễn biến tâm lí nhân vật bà cụ Tứ- người mẹ nông dân nghèo đến tội nghiệp. Xuất hiện giữa tác phẩm với dáng đi “lọng khọng”, “húng hắng ho”. Ngạc nhiên, bất ngờ là cảm giác đầu tiên khi bà cụ Tứ nhìn thấy người vợ nhặt. Là một người mẹ thương con, bà hiểu nhất định phải có chuyện gì bất thường xảy ra “Ô hay, thế là thế nào nhỉ?”. Cho tới lúc nghe Tràng giải thích “Nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi đấy u ạ” thì bà nhanh chóng hiểu ra và “cúi đầu nín nặng”. Đằng sau cái cúi đầu ấy là dòng cảm xúc tuôn trào. Bà so sánh “người ta” với mình để tự trách bản thân mình và đồng thời cũng thương con trai mình, thương cho số kiếp nhặt vợ.
Bà cụ Tứ quả là một người mẹ thương con nhưng đồng thời trong tâm hồn bà, nét đẹp của tình người luôn hiện hữu. Ngay từ cái nhìn đầu tiên với người vợ nhặt, lòng bà đã “đầy thương xót”. Là một người phụ nữ nông dân nghèo, bà hiểu rõ những gì mà người vợ nhặt đã phải trải qua. Dù lòng đầy lo lắng nhưng bà vẫn chấp nhận dù hoàn cảnh vô cùng túng quẫn “con ngồi xuống đây. Ngồi xuống đây cho đỡ mỏi chân”. Người phụ nữ ấy đã chọn điểm nhìn để chấp nhận người vợ nhặt không phải từ góc độ của một bà mẹ chồng mà xuất phát từ trái tim của một con người giàu lòng nhân ái.
Tình huống nhặt vợ trong cái đói khủng khiếp còn là phông nền để khám phá vẻ đẹp tình người của nhân vật Tràng. Cái đói đã tràn đến, vậy mà Tràng vẫn đèo bòng vợ con khi không biết cuộc đời phía trước của mình ra sao. Anh chấp nhận người vợ nhặt một cách tự nhiên thể hiện vẻ đẹp của lòng cưu mang đối với một con người đói khát hơn mình. Và khi người phụ nữ chấp nhận làm vợ, Tràng đã có ý thức chăm sóc: “Hôm ấy hắn đưa thị vào chợ tỉnh bỏ tiền ra mua cho thị cái thúng con đựng vài thứ lặt vặt rồi ra hàng cơm đánh một bữa thật no nê rồi cùng đẩy xe bò về”. Tràng đến với thị đầu tiên và trước hết là những sẻ chia của người nghèo trong cảnh hoạn nạn. Nhưng đằng sau điều đó là một khát vọng mãnh liệt hơn về hạnh phúc gia đình.
Ngòi bút nhân văn của Kim Lân được chắp thêm đôi cánh của sự lãng mạn khi miêu tả Tràng trong buổi sáng đầu tiên sau khi có vợ: Thấy trong người: “êm ái, lửng lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra và bỗng thấy “mình nên người. Tràng cũng nghĩ đến trách nhiệm của bản thân đối với vợ con sau này vì thế hắn cũng xăm xăm chạy ra giữa sân và muốn làm một điều gì đó để tu sửa căn nhà”. Phải chăng lúc này đây hắn đã tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống và thấy được sự ấm áp của ngôi nhà mà hắn sinh sống bấy lâu nay “Cái nhà như cái tổ ấm che mưa che nắng”. Nguồn vui ấy như tia nắng, như ánh bình minh đem sinh khí đến cho cuộc sống đang ngập tràn sự chết chóc bởi cái đói đang tung lưới bủa vây.
Truyện ngắn Vợ nhặt là một tác phẩm thấm đẫm tinh thần nhân đạo. Đó là vẻ đẹp của tình người, của niềm hi vọng vào tương lai, vào cuộc sống của những con người đang mấp mé trước miệng vực âm phủ. Đồng thời đó cũng là sự thương xót của tác giả đối với cuộc đời, số phận của những con người ấy. Tất cả những giá trị nhân đạo, nhân bản đó đã được nhà văn thể hiện thành công bằng ngòi bút viết văn già dặn, vững vàng thông qua việc xây dựng tình huống truyện độc đáo, cách kể truyện hấp dẫn, miêu tả tâm lý khá tinh tế, xây dựng đối thoại khá sinh động.
17/04/2022
06/01/2022
29/08/2021
29/08/2021
29/08/2021
29/08/2021
Nghị luận Hãy sống thật ý nghĩa, đừng bao giờ để sự tồn tại của bản thân trở nên vô nghĩa
Nghị luận Hãy sống thật ý nghĩa, đừng bao giờ để sự tồn tại của …
Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *
App
Văn mẫu tổng hợp
dùng trên điện thoại với hơn 30.000 bài văn mẫu hay nhất, giải bài tập văn SGK, soạn văn đầy đủ chi tiết.
Kho tài liệu văn học và bài tập làm văn hàng đầu Việt Nam
Phân tích giá trị nhân đạo đ