Kho tài liệu văn học và bài tập làm văn hàng đầu Việt Nam
Không gian nhân tính trong t
Kho tài liệu văn học và bài tập làm văn hàng đầu Việt Nam
Không gian nhân tính trong truyện ngắn Chí Phèo Nam Cao
Hà Anh
06/01/2022 Bài văn hay
143 Views
Không gian nhân tính trong truyện ngắn Chí Phèo – Nam CaoSáng tác của Nam Cao cho tới nay đã được nghiên cứu bởi nhiều công […]
Hướng dẫn
Là nhà văn hiện thực bậc thầy, là nhà nhân đạo chủ nghĩa xuất sắc của văn học Việt Nam, Nam Cao đã có những cách tân và sáng tạo độc đáo trong sáng tác của mình. Ý thức cao độ về vai trò của người cầm bút trong đời sống tinh thần của xã hội, Nam Cao luôn yêu cầu văn chương phải “biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo cái gì chưa có” (Đời thừa). Trong suốt cuộc đời cầm bút của mình, Nam Cao đã ráo riết thực hiện tâm niệm đó.
Sáng tác của Nam Cao cho tới nay đã được nghiên cứu bởi nhiều công trình khoa học nghiêm túc. Các công trình nghiên cứu ấy một mặt đã đề cập đến những vấn đề lớn trong sáng tác của nhà văn như chủ nghĩa thực hiện, tư tưởng và phong cách, đề tài, kết cấu, giọng điệu, không gian và thời gian nghệ thuật v.v… và trong thời gian gần đây, chúng ta lại có dịp tìm hiểu Nam Cao sâu sắc hơn, mới mẻ hơn từ góc độ thi pháp học, văn bản học. Mặt khác vẫn có chưa nhiều những nghiên cứu về những tác phẩm cụ thể của Nam Cao, đặc biệt là những tác phẩm được giảng dạy trong nhà trường.
Trong bài viết này, chúng tôi tiếp thu hướng nghiên cứu đã nêu trên và tập trung đi sâu tìm hiểu không gian nhân tính trong truyện ngắn “Chí Phèo”, để qua đó, một lần nữa, cùng tìm hiểu những gì Nam Cao đã “đào sâu”, “tìm tòi”, cùng cảm nhận tâm hồn nhân đạo sâu sắc của ngòi bút hiện thực bậc thầy này.
Theo định nghĩa của “Từ điển thuật ngữ văn học”, không gian nghệ thuật là “hình thức bên trong của hình tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó”, “có tác dụng mô hình hoá các mối quan hệ của bức tranh thế giới như thời gian, xã hội, đạo đức, tôn ti trật tự”. Không gian nghệ thuật “cho thấy quan niệm về thế giới, chiều sâu cảm thụ của tác giả hay của một giai đoạn văn học”. Nhà nghiên cứu văn học Trần Đăng Xuyền cho rằng: không gian nghệ thuật gắn chặt với “cảm quan về con người và cuộc đời, gắn bó với mơ ước và lý tưởng của nhà văn”.
Trong truyện ngắn “Chí Phèo” có thể thấy tác giả đã tạo ra hai không gian mang tính chất đối lập rõ ràng, chúng vừa đan xen vào nhau vừa tách biệt nhau và nhằm thể hiện ý đồ tư tưởng của nhà văn. Không gian thứ nhất là không gian trong làng Vũ Đại, nơi ngự trị của những bè cánh, âm mưu toan tính bóc lột dân nghèo của bọn cường hào ác bá, nơi “ xa phủ, xa tỉnh ”, “ quần ngư tranh thực ”, nơi người lao động bị bóc lột cùng kiệt đến độ hoặc phải bỏ làng mà đi hoặc “ è cổ nuôi bọn lý hào ”. Nơi ấy, nhan nhản những bộ mặt nham hiểm như bá Kiến, đội Tảo, tư Đạm, bát Tùng, kẻ nào cũng đã đục khoét, ức hiếp dân thành nghề, cũng có hẳn cho mình một phương sách bóc lột dân nghèo. Không gian trong làng Vũ Đại ngày ấy, từ lúc Chí Phèo đi tù về, lúc nào cũng vang lên tiếng chửi rủa, diễn ra những cảnh gây gổ, rạch mặt ăn vạ… cả làng Vũ Đại ngập ngụa trong đen tối của âm mưu, mòn mỏi đi trong đói nghèo và những định kiến, hắt hủi, ghẻ lạnh, khinh bỉ. Chả thế mà từ khi Chí đi tù về, những tưởng sẽ có bàn tay thân thiện của ai đó chìa ra để kéo lại một cuộc đời bất hạnh. Nhưng không, cái làng ấy đã quen, đã thờ ơ với những số phận như Năm Thọ, binh Chức và cả Chí Phèo. Bởi thế, Chí đã dần trượt dài, không thể cứu vãn được trên con đường từ một kẻ lưu mạnh thành một con quỷ dữ “Phá tan bao cơ nghiệp, đập nát bao cảnh yên vui, đạp đổ bao hạnh phúc, làm chảy máu và nước mặt của bao nhiêu người lương thiện”. Trong môi trường sống phi nhân tính, dù đã đôi lần cố gắng vùng lên đòi làm người lương thiện, nhưng lần nào Chí Phèo cũng thất bại. “Tất cả dân làng đều sợ hắn và tránh mặt hắn mỗi lần hắn qua”. Chí Phèo đã bị vật hoá tới mức không còn ý thức được về thời gian của đời mình, người làng loại hắn ra khỏi cộng đồng “ngay cả đến cái thẻ có biên tên tuổi hắn cũng không có, trong sổ làng người ta vẫn khai hắn vào hạng dân lưu tán, lâu năm không về làng”. Nếu Thứ trong “Sống mòn” “Chết mà chưa sống” thì Chí Phèo cũng bị chôn sống bởi môi trường sống vô nhân đạo ngay khi hắn còn sờ sờ ra đấy. Chúng ta càng thấm thía hơn điều Nam Cao mong muốn, phải “cố tìm mà hiểu” con người, chứ đừng chỉ nhìn đời bằng con mắt ráo hoảnh của phường xấu xa, ích kỷ.
Nhưng cũng chính trong không gian ấy, bằng cái nhìn nhân đạo sâu sắc, nhà văn cũng đã nhìn ra những tấm lòng vàng. Tuy sinh ra không cha mẹ, bị vứt trần truồng bên cái lò gạch bỏ không, nhưng Chí Phèo vẫn lớn lên được là nhờ anh thả ống lươn, người đàn bà goá mù, bác phó cối, dù rằng họ đối xử với Chí không phải lúc nào cũng tốt, cũng nhân hậu. Tuổi thơ của Chí tủi hờn, khốn khổ nhưng lành lặn và lương thiện. Và có lẽ, tuổi thơ ấy đã góp phần làm nên cái mơ ước bình dị đến cháy lòng của Chí khi hắn còn trẻ!
Phân tích qua như vậy để thấy rõ tính chất đối lập của không gian sống trong làng Vũ Đại với không gian sống riêng của Chí. Chúng tôi tạm gọi “năm sào vườn ở bãi sông” mà Chí có được sau khi đòi nợ giúp Bá Kiến số tiền năm mươi đồng từ đội Tảo, là không gian sống riêng của Chí Phèo, một không gian thực sự giàu nhân tính, có khả năng thức tỉnh linh hồn người, là không gian duy trì tình yêu và lương thiện.
Trần Đăng Suyền nhận định “ Không gian trong sáng tác của Nam Cao chủ yếu là không gian riêng tư, cá nhân”. Có thể coi “ Năm sào vườn ở bãi sông” ấy là không gian sống riêng tư, cá nhân của Chí Phèo. Ở không gian ấy, Chí Phèo có một túp lều, trước đó hắn thường ở “ Cái miếu con ở bờ sông, vì vốn từ trước đến nay không có nhà”. Túp lều ấy có thể coi là “ không gian căn phòng” của Chí. Chính ở không gian riêng ấy, nhân vật của Nam Cao mới thực sự đối mặt với chiều sâu nội tâm của chính mình và theo Trần Đăng Suyền “ Đời sống thật của các nhân vật hiện lên cụ thể, chân thật, sinh động trong cái không gian riêng tư”. Tính chất riêng tư, căn phòng của không gian sống ấy càng rõ hơn khi “ trước kia, cả xóm vẫn dùng cái ngõ ấy để ra sống tắm giặt hay kín nước. Nhưng từ khi hắn đến, người ta thôi dần, tìm một lối khác đi xa hơn”.
Nhà văn Nam Cao đã rất có ý thức nghệ thuật khi khắc hoạ không gian sống lương thiện của Chí Phèo trong thế đối lập với môi trường phi nhân tính trong làng Vũ Đại.
Thứ nhất, năm sào vườn ấy ngăn cách hẳn với không gian trong làng Vũ Đại bằng một con đê. Nhà văn đã chủ định dùng “ Ngôn ngữ của không gian nghệ thuật…để biểu hiện các phạm vi giá trị phẩm chất của đời sống xã hội” bằng cách mô hình hoá không gian bên này đê và không gian trong xóm.
Thứ hai, không gian sông của Chí Phèo nằm cạnh bờ sông, nơi con nước trong lành, nơi duy trì nguồn sống của con người, nơi có ánh trăng vàng rực rõ, ấm áp, có tiếng chim hót ríu rít, nơi có tiếng nói cười vui vẻ của những người hàng xóm đi chợ về…Ở đấy, vào “ những đêm trăng như đêm nay, cái vườn phẳng ngổn ngang những bóng chuối…Những tàu chuối nằm ngửa, ưỡn cong cong lên hứng lấy trăng xanh rời rợi như là ướt nước, thỉnh thoảng bị gió lay lại giãy lên đành đạch như là hứng tình”. Không gian ấy là không gian đòi sống, tình tự của vạn vật, huống chi nữa là người.
Thứ ba, trong không gian ấy, Chí sống nguyên vẹn với phần lương thiện của mình, với cái bản tính thường ngày bị che lấp bởi rượu, tiếng chửi và những âm mưu…Chí về nhà chỉ để ngủ, “ Ai có thể ác trong khi ngủ”! Nên Thị Nở thấy Chí hiền khô, mỗi lần đi kín nước, thị luôn ngạc nhiên vì sao người làng lại ghê sợ và xa lánh một người hiền lành như hắn. Có lần, Thị Nở xin rượu để bóp chân “ Hắn mải ngủ càu nhàu bảo thị rằng: ở xó nhà ấy, muốn rót bao nhiêu thì rót, để yên cho hắn ngủ”. Mà rượu với Chí là một phương tiện trợ giúp hắn gây ác, lấy bao nhiêu thì lấy, phải chăng như giúp Chí bớt đi cái ác, và để cho hắn yên lành trong giấc ngủ hiền lương!
Thứ tư, không gian lương thiện ấy giúp Chí Phèo thức tỉnh bản tính lương thiện của mình một cách sâu sắc và đầy đủ. Sau cái đêm gặp Thị Nở, mọi chiều kích của thời gian đã trở về với Chí, còn trước đó Chí đã hoàn toàn mất ý thức về thời gian, về bản thân, “ Chưa bao giờ hắn tỉnh…để nhớ rằng có hắn ở đời”. Chí nhận ra cái hiện tại thường ngày qua ánh nắng và mặt trời ấm áp, tiếng chim hót, tiếng cười nói của người đi chợ, tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá. Quá khứ cũng hiện về trong nỗi buồn nao nao. Cái quá khứ êm dịu và lương thiện “ Hình như có một thời hắn đã ao ước có một gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải”. Và cả tương lai xa xôi với tuổi già, đói rét, ốm đau và cô độc cũng hiện ra với bao ám ảnh. Nhưng quan trọng hơn hết, Chí nghĩ nhiều về cái hiện tại, về bát cháo hành của Thị Nở, về việc “ Thị Nở sẽ mở đường cho hắn” trở về với lương thiện, về cái nguyện vọng “ Hay mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui”. Sống sâu sắc ở hiện tại, Chí đã cảm nhận hết ý nghĩa của cuộc sống lương thiện. Trong hắn rát bỏng khát khao “ thèm lương thiện”, “muốn làm hoà với mọi người”, hắn muốn mọi người “ lại nhận hắn vào cái xã hội bằng phẳng, thân thiện của những người lương thiện.”
Thứ năm, trong không gian yêu thương, tình người ấy, Chí Phèo và Thị Nở đã có thể sống trong tình yêu, hạnh phúc năm ngày trọn vẹn. Bao tâm tính người trở về với Chí một cách dồn dập. Chí khóc, cười, thấy lòng thành trẻ con, muốn làm nũng với Thị Nở như với người mẹ hiền. Và Thị Nở đột nhiên không còn xấu xí đến ma chê quỷ hờn nữa mà thành người đàn bà có duyên trong mắt Chí. Hai con người xấu số đã tìm thấy mảnh đời hạnh phúc của mình. Vượt ra khỏi không gian ấy, tình yêu của hai con người khốn khổ không thể sống sót bởi những định kiến ác nghiệt của dân làng, vượt ra khỏi không gian ấy Chí Phèo lại nguyên hình là con thú dữ.
Thứ sáu, với Chí Phèo, rượu là phương tiện hỗ trợ hắn gây ác, không có rượu lấy gì làm cho máu chảy. Nhưng trong năm ngày chung sống với Thị Nở, Chí có lúc đã sợ rượu, nếu có uống cũng uống thật ít, để còn tỉnh tảo mà yêu nhau. Ngay cả khi bị từ chối chung sống cùng Thị Nở, Chí không thể mượn rượu để say, để quên đi năm ngày hạnh phúc tuyệt vời trong cuộc đời khốn khổ của mình, vì “ càng uống lại càng tỉnh ra. Tỉnh ra, chao ôi, buồn! Hơi rượu không sặc sụa, hắn cứ thoang thoảng thấy hơi cháo hành. Hắn ôm mặt khóc rưng rức”. Điều đó cho thấy Chí đã sống lương thiện trọn vẹn trong không gian nhân tính của riêng mình.
Trong khoảng 25 trang truyện, Nam Cao đã dành ra ít nhất một nửa số trang để tái hiện sáu ngày cuối cùng của cuộc đời Chí Phèo. Và trong sáu ngày ấy, Chí sống trọn vẹn trong không gian riêng, đầy tình người, ấm áp tiếng cười, niềm vui. Miêu tả quãng đời ấy của nhân vật, Nam Cao đã bộc lộ rõ sở trường phân tích tâm lý. Nhân vật Chí Phèo hiện ra với một thế giới nội tâm phong phú đáng kinh ngạc.
Sáng tạo ra hai không gian có tính đối lập gay gắt trong tác phẩm như trên đã chỉ ra, Nam Cao cố gắng thể hiện một cách nghệ thuật đến ám ảnh lời kêu cứu khẩn thiết của mình, của thời đại mình: Hãy trả về cho con người môi trường sống, điều kiện sống tốt lành, để ở đó, con người được sống đích thực với giá trị NGƯỜI của mình.
-Ths. Nguyễn Ngọc Phương-
Giá trị nhân đạo trong Chí Phèo – Nam Cao
Theo Baivanhay.com
Tags A Phủ bản thân cá nhân Cảm nhận chí phèo con đường con người cuộc sống Đời Thừa gia đình hàng xóm hanh phuc lao động môi trường Môi trường sống nam cao Người hàng xóm người mẹ nhà văn Nam Cao phân tích thời gian tình yêu văn học y tá
22/01/2022
22/01/2022
22/01/2022
06/01/2022
06/01/2022
06/01/2022
Phân tích nhân vật Phương Định trong tác phẩm Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê
Phân tích nhân vật Phương Định trong tác phẩm Những ngôi sao xa xôi của …
Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *
App
Văn mẫu tổng hợp dùng trên điện thoại với hơn 30.000 bài văn mẫu hay nhất, giải bài tập văn SGK, soạn văn đầy đủ chi tiết.
Kho tài liệu văn học và bài tập làm văn hàng đầu Việt Nam
Không gian nhân tính trong t