cam-nhan-bai-tho-tu-ay-to-huu

Kho tài liệu văn học và bài tập làm văn hàng đầu Việt Nam

Cảm nhận bài thơ Từ ấy Tố Hữ


Kho tài liệu văn học và bài tập làm văn hàng đầu Việt Nam

Cảm nhận bài thơ Từ ấy Tố Hữu

Hà Anh
06/01/2022 Bài văn hay

451 Views

Cảm nhận bài thơ Từ ấy – Tố HữuNhà thơ Chế Lan Viên từng viết: “Với Tố Hữu tả cảnh hay tả tình, […]

Hướng dẫn

Nhà thơ Chế Lan Viên từng viết: “Với Tố Hữu tả cảnh hay tả tình, khóc mình hay khóc người, viết về vấn đề lớn hay vấn đề nhỏ đều là để nói cho hết cái lí tưởng cộng sản ấy thôi”. Chỉ vài dòng nhận xét ấy thôi đã đủ cho ta hiểu về Tố Hữu- nhà thơ tình cách mạng lớn nhất trong thơ Hiện đại. Giữa bao ngọn cờ sai lạc dưới sự thống trị của thực dân Pháp, Tố Hữu hiện lên như lá cờ Đảng mang cái lí tưởng, cái lối sống, cái triết học đúng đắn nhất đương thời thấm nhuần vào từng dòng thơ của mình. Ngay cả khi đến cái tuổi “gần đất xa trời” trong ông vẫn nồng nàn chung thủy với Cách mạng:

“Thuyền có vượt sóng không nghiêng ngả

Nghĩa lớn xuôi dòng lộng ước mơ

Mới nửa đường thôi, còn bước tiếp

Trăm năm duyên kiếp Đảng và Thơ”










Hiện lên như một vệt sáng giữa bầu trời tăm tối, bài thơ “Từ ấy” được coi là tuyên ngôn về cuộc sống của chàng thanh niên 16-17 tuổi đầy nhiệt huyết, vạch ra cho người thanh niên ấy một lẽ sống, một lí tưởng giữa những cám dỗ lúc bấy giờ. Tố Hữu đã có lần tâm sự: “Nếu không có “Từ ấy” thì không biết tôi đã trở thành thế nào. May mắn lắm là một người vô tội.”

Bài thơ “Từ ấy” được sáng tác năm 1938 in trong phần “Máu lửa” thuộc tập “Từ ấy” mang những sắc thái riêng tiêu biểu cho phong cách thơ Tố Hữu, thể hiện niềm vui cũng như tâm nguyện của người thanh niên trẻ khi đến với con đường Cách mạng.

Bài thơ mở ra là niềm say mê, vui sướng của tác giả khi bắt gặp lí tưởng của Đảng trong lúc còn “Băn khoăn đi tìm lẽ yêu đời”. Hai câu thơ đầu được nhà thơ khéo léo sử dụng bút pháp tự sự kết hợp với bút pháp trữ tình, lời thơ đầy niềm say mê, nao nức của ông khi đón nhận lí tưởng cách mạng:

“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

Mặt trời chân lí chói qua tim”


“Từ ấy” không chỉ đơn thuần là cột mốc thời gian. Nó đứng đầu khổ thơ còn giữ sứ mệnh là cột mốc thiêng liêng của cả cuộc đời, là bước ngoặt quan trọng trong lẽ sống và tâm hồn nhà thơ. Nó chấm dứt những tháng ngày dài quanh quẩn đi tìm lẽ yêu đời. Hình ảnh ẩn dụ “nắng hạ”, “mặt trời chân lí” đã diễn tả niềm hạnh phúc của nhà thơ khi bắt gặp lí tượng cộng sản. Đây là những hình ảnh rực rỡ, chói chang vừa làm bừng tỉnh, vừa chiếu sáng tâm hồn nhà thơ và xua tan đi bóng tối của chủ nghĩa cá nhân trong tâm hồn thi sĩ. Không ít lần ánh sáng huy hoàng của chân lí đã soi sáng vào thơ Tố Hữu:

“Đời đen tối ta phải tìm ánh sáng

Ta đi tới chỉ một đường cách mạng”


Những động từ mạnh “bừng”, “chói” góp phần khẳng định vai trò của lí tưởng cuộc sống đối với đời cách mạng, đời thơ của Tố Hữu. Một bên là ánh sáng đột ngột (bừng), một bên là ánh sáng xuyên thấu rất mạnh, rất rực rỡ (chói) nó như bao kín đôi mắt nhà thơ và như soi sáng trong lòng tác giả. Ánh sáng ấy đã hoàn toàn xua đi màn sương mù của ý thức tiểu tư sản và mở ra trong tâm hồn nhà thơ một chân trời như nhà thơ Chế Lan Viết từng viết:

“Nếp rêu con cũng chói lòa ánh sáng

Khi mặt trời tư tưởng rọi hang sâu”


Ở đây còn có cái gì tỏa sáng giống như cô gái gặp được người yêu trong bài ca dao xưa:

“Thấy anh như thấy mặt trời

Chói chang khó ngó trao lời khó trao”


Có lẽ ánh sáng lí tưởng đã hồi sinh một đời người, đã xua tan màn đêm của u mê, đã mở ra cho nhà thơ một chân trời mới mẻ của tư tưởng tình cảm.

Hai câu thơ tiếp theo được viết theo bút pháp trữ tình lãng mạn diễn tả niềm vui sướng vô hạn của nhà thơ trong buổi đầu đến với cách mạng:

“Hồn tôi là một vườn hoa lá

Rất đậm hương và rộn tiếng chim”


Tố Hữu ví tâm hồn mình như “một vườn hoa lá”, ông đã lấy cái cụ thể để diễn tả cái trìu tượng thật sống động tạo ra phép so sánh chính xác, độc đáo, bất ngờ và mang tính thẩm mĩ cao. Trong khu vườn ấy là một cuộc sống đầy màu sắc, âm thanh, mùi vi. Đó là màu xanh của lá, là hương thơm ngây ngất của hoa, là âm thanh tiếng chim ríu rít rộn ràng. Tất cả âm vang của cuộc sống đã được nhà thơ chắt lọc để nuôi dưỡng tâm hôn. Xuân Diệu– một đại biểu xuất sắc của thơ ca lãng mạn thời ấy cũng có hình ảnh tương tự khi diễn tả tình cảm trong trẻo, hồn nhiên của cặp tình nhân:

“Từ lúc yêu nhau hoa nở mãi

Trong vườn thơm ngát của hồn tôi”


“Đậm” là sự ngào ngạt của hương thơm, “rộn” là cái ríu rít của âm thanh, hai tính từ đã diễn tả sức sống mãnh liệt, niềm vui và hạnh phúc tột đỉnh của tâm hồn thi sị Các giác quan đã được đánh thức, khu vườn ảo của tâm trạng đã thêm phần cụ thể, tràn đầy âm thanh, hương vị,… Trong sự tỏa sáng của chân lí, ngôn từ thơ Tố Hữu cũng như cựa mình trỗi dậy. Sự sống cứ ăm ắp dâng lên, nhà thơ sung sướng đón nhận cái chân lí như cỏ cây hoa lá đón ánh nắng mặt trời.

Mượn hình ảnh thiên nhiên để thể hiện tâm hồn vừa nhấn mạnh tính tất yếu của cách mạng, vừa tạo nên những hình ảnh thơ lấp lánh, sống động. Ở Tố Hữu, lí tưởng sống là nguồn sống của đời người, nguồn sống của thơ ca cũng giống như M.Gorki từng nói: “Văn học giúp con người hiểu được bản thân mình, nâng cao niềm tin vào bản thân mình và làm nảy nở ở con người khát vọng hướng tới chân lí”.

Không chỉ giác ngộ được lí tưởng cách mạng, Tố Hữu đồng thời còn thể hiện nhận thức mới mẻ về lẽ sống:

“Tôi buộc lòng tôi với mọi người

Để tình trang trải khắp trăm nơi

Để hồn tôi với bao hồn khổ

Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời”










Tố Hữu vốn là một thanh niên sống ở môi trường thành thị nên cũng mang trong mình tinh thần tiểu tư sản với một cái tôi cá nhân. Muốn bước ra khỏi vòng tròn của cái tôi ấy đâu phải dễ dàng, chính ông cũng từng thừa nhận rằng:

“Đâu những ngày xưa tôi nhớ tôi

Băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời

Vơ vẩn theo mãi vòng quanh quẩn

Muốn thoát than ôi bước chẳng rời”










Vậy mà từ khi gặp lí tưởng cuộc sống, Tố Hữu đã có một bước ngoặt quan trọng về nhận thức hay nói đúng hơn là một cuộc lột xác về tư tưởng, một cuộc thay máu của lẽ sống. Ông đã xây dựng một tương quan mới giữa cái “tôi” với “mọi người” với “trăm nơi” với “bao hồn khổ”, giữa cái riêng với cái chung, giữa cái tôi với cái ta. “Buộc” và “trang trải” là hai động từ chỉ hoạt động có tính tình nguyện, là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau nhưng đều nằm trong nhận thức mới về lẽ sống của Tố Hữu. “Buộc” không có nghĩa là ép buộc một cách gắng gượng mà là tự nguyện tạo ra sự gắn bó, đoàn kết, đồng cảm với mọi người. “Trang trải” là tâm hồn nhà thơ luôn trải rộng với cuộc đời, đồng cảm sâu xa với hoàn cảnh của từng người cụ thể. Dường như Tố Hữu đã vượt qua giới hạn của cái “tôi” cá nhân nhỏ bé để sống chan hòa với mọi người, để hòa nhập vào cái ta chung cũng giống như sự chuyển đổi đại từ trong bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”:

“Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng

…………………….

Ta nhập vào hòa ca

Một nốt trầm xao xuyến”














Từ “để” được lặp lại hai lần nhằm nhấn mạnh sự gắn bó, chia sẻ giữ bản thân mình với “mọi người” với “trăm nơi” với “bao hồn khổ”. Giác ngộ lí tưởng cộng sản là giác ngộ về tình cảm. Trước hết là giác ngộ về chỗ đứng, về phía nhân dân, về những đối tượng như Tố Hữu đã từng nói “những tù nhân khốn nạn của bần cùng”. Khi đã hòa chung với mọi người, ông đã tìm thấy nguồn sức mạnh: “gần gũi nhau thêm mạnh khối đời”. “khối” là sự gắn kết trong một tập thể, một cộng đồng, “mạnh” là sự hiệu quả từ việc gắn kết. Nếu như Cac mác biến định nghĩa ấy thành câu nói làm kinh hoàng hệ thống tư sản: “Vô sản tất cả các nước bị áp bức đoàn kết lại” thì Tố Hữu lại biến chúng thành thơ. Hai chữ “gần gũi” làm lay động cả nhận thức lẫn con tim. Tình yêu người, yêu đời trong Tố Hữu đã nâng lên thành chủ nghĩa nhân đạo, ông cũng muốn được như Cácmac:

“Vì lẽ sống hi sinh cho cuộc sống

Đời với Mac là tình ca nghĩa rộng”


Với Tố Hữu ánh sáng lí tưởng đã tạo nên những biến đổi sâu sắc khiến một thanh niên tiểu tư sản đã trở thành nhà thơ của nhân dân. Tình yêu thương con người của Tố Hữu là tình cảm hữu ái giai cấp, ông đã đặt mình giữa dòng đời để thấy được niềm vui và sức manh. Qua đó Tố Hữu khẳng định mối liên hệ sâu sắc giữa văn học và cuộc sống: “Cuộc đời là nơi xuất bản, cũng là nơi đi tới của văn học”.

Từ sự gắn bó khăng khít đầy tình cảm, Tố Hữu đã nâng tình cảm giai cấp lên thành tình cảm ruột thịt, ông coi quần chúng nhân dân như những người trong gia đình:

“Tôi đã là con của vạn nhà

Là em của vạn kiếp phôi pha

Là anh của vạn đầu em nhỏ

Không áo cơm, cù bất cù bơ…”










Khổ thơ tiếp nối ý tưởng của khổ thơ thứ hai, tiếp tục bắc cây cầu từ cái “tôi” đến cái “ta”. Tôi hướng về “vạn nhà”, “vạn kiếp phôi pha”, “vạn đầu em nhỏ”, hình ảnh thơ hiện lên cụ thể hơn, sinh động hơn và cũng xúc động hơn. Từ “vạn” được lặp lại ba lần vừa nhấn mạnh số đông, vừa tran đầy nhiệt huyết của nhà thơ muốn bứt khỏi cái tôi riêng tư để đến với chân trời rộng lớn. Nó cũng là số từ mang tính ước lệ để một lần nữa khẳng định sự đoàn kết, đàm ấm, thân thiết như một gia đình. Điệp từ “là” gắn với những đại từ chỉ quan hệ thân thuộc (em, con, anh) một mặt thể hiện mối quan hệ tự nhiên mà gắn bó sâu sắc, mặt khác khẳng định nhiệm vụ, vai trò lớn lao của người thanh niên đối với cộng đồng. Tố Hữu nhận thấy bản thân mình là một thành viên của đại gia đình quần chúng lao khổ. Đến đây làm ta nhớ đến những dòng thơ xúc động khi Tố Hữu viết về Bác Hồ:

“Người là cha là bác là anh

Quả tim lớn bọc trong dòng máu đỏ”


Khổ thơ vừa như lời tâm niệm của người chiến sĩ trẻ, vừa thể hiện niềm vui của nhà thơ khi chủ động tìm đến đại gia đình mới của mình. Tấm lòng nhà thơ đồng cảm, xót thương khi nói tới những con người đau khổ, bất hạnh, những người lao động vất vả (vạn kiếp phôi pha). Tấm lòng nhà thơ thông cảm, chia sẻ khi nói tới những em nhỏ lang thang tội nghiệp, không nơi nương tựa (cù bất cù bơ). “Cù bất cù bơ” là tính từ khá mới lạ nhưng người đọc vẫn cảm nhận được hoàn cảnh nay đây mai đó, bơ vơ của đồng bào ta trong đói khổ. Tâm trạng của nhà thơ đã có sự chuyển biến mạnh mẽ từ đồng cảm, sẻ chia đến căm giận trước sự bất công ngang trái của cuộc đời. Tố Hữu đến với nhân dân lao động không chỉ là nhận thức mà còn là giao cảm lớn giữa cá nhân với cộng đồng. Xét đến cùng, cách mạng chính là cuộc giao cảm vĩ đại của con người với nhau như Lenin đã dùng hình ảnh: “em là ngày hội của quần chúng”.

Khép lại bài thơ là sự chân thành, thái độ quyết tâm cũng như trách nhiệm của Tố Hữu với sự nghiệp cách mạng nước nhà đúng như Xuân Diệu đã từng nhận xét: “Tố Hữu là nhà thi sĩ làm cách mạng và là nhà cách mạng làm thơ”. Còn Chế Lan Viên thì cho rằng: “Thơ Tố Hữu là thơ cách mạng chứ không phải thơ tình yêu… nhưng thơ anh là thơ của một tình nhân. Anh nói các vấn đề bằng tình yêu say đắm”

“Từ ấy” chính là tiếng hát lạc quan, yêu đời, đắm say lí tưởng của chàng thanh niên trẻ. Bài thơ vừa có chất triết lí, vừa gần gũi thân thuộc. Từng câu thơ như nung nấu ý chí quyết tâm của người cộng sản luôn cống hiến hết mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và có lẽ suốt cuộc đời chàng thanh niên trẻ đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp ấy:

“Tạm biệt đời ta yêu quý nhất

Còn mấy vần thơ một nắm tro

Thơ gửi bạn đường. Tro bón đất

Sống là cho, chết cũng là cho”










Theo Baivanhay.com

Tags Bác Hồ bản thân cá nhân cám dỗ Cảm nhận Chế Lan Viên con đường con người cuộc sống gia đình hanh phuc hiện đại khát vọng lao động lí tưởng lối sống môi trường mùa xuân Mùa xuân nho nhỏ niềm tin tả cảnh tập thể thanh niên thành thị thời gian tình yêu tình yêu thương tố hữu Từ ấy ước mơ văn học vườn hoa Xuân Diệu ý chí

22/01/2022

22/01/2022

22/01/2022

06/01/2022

06/01/2022

06/01/2022

Soạn bài Sơn tinh Thủy tinh

Bài tập làm văn soạn bài Sơn tinh Thủy tinh lớp 6 bao gồm các …

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *